Từ “con ngoan trò giỏi” sang “con bản lĩnh, trò sáng tạo”
Triết lý giáo dục “con ngoan trò giỏi” dẫn đến một quan niệm rất lạ lùng về việc giới hạn dung lượng sách giáo khoa (SGK). SGK PT cứ phải giới hạn trong khoảng 70 – 80 trang, SGK ĐH trong khoảng 200 – 300 trang. Mang tiếng là hiếu học mà cứ tính toán từng đồng bạc, từng trang giấy – cái lợi thì nhỏ mà cái hại thì lớn. Hại ở chỗ sách đã cô đúc ngắn gọn rồi thì chỉ còn cách học thuộc lòng. Nếu sách có sai sót nữa thì HSSV VN sẽ học thuộc lòng cả cái đúng lẫn cái sai.

1/ Xã hội muốn phát triển thì văn hóa phải thiên về dương tính

Điều đó có nghĩa là xã hội phải thực sự dân chủ và hoạt động theo pháp quyền, con người phải từ bỏ chủ nghĩa cộng đồng làng xã mà thay vào đó là bản lĩnh cá nhân và ý thức cộng đồng xã hội.

  • Phải coi trọng sự trung thực hơn là khôn khéo;
  • Ý thức trách nhiệm thay cho thói dựa dẫm;
  • Tinh thần hợp tác vì việc chung thay cho thói sĩ diện, bệnh phe nhóm;
  • Tính khoa học và sáng tạo thay cho lối làm việc đối phó, tùy tiện.

Những giá trị này phải trở thành mục tiêu mà cải cách giáo dục cần hướng tới. Từ triết lý giáo dục và mục tiêu ấy, mới tính đến những vấn đề như cấu trúc các cấp học, chương trình, SGK sao cho phù hợp; bên cạnh đó, phần quan trọng là phải thay đổi một cách cơ bản cách dạy, cách đánh giá; cách nghĩ, cách làm của các thầy cô và bộ máy quản lý giáo dục đến từng trường.

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm

2/ Giáo dục là công việc không phải của riêng nhà trường.

Nếu ngành giáo dục và nhà trường hoạt động đơn độc thì dù cố gắng đến mấy cũng không thể thành công. Mô hình giáo dục hiện nay gồm ba yếu tố là

  1. Gia đình;
  2. Nhà trường;
  3. Xã hội.

Đây chính là sản phẩm điển hình của triết lý giáo dục hướng đến ổn định của một xã hội bao cấp, khi mà tất cả mọi người đều làm giáo dục, còn bản thân đối tượng giáo dục thì hoàn toàn bị bỏ quên, học trò không là gì trong mô hình giáo dục cả.

3/ Cuộc sống đòi hỏi phải sáng tạo

Vì vậy các nước rất chú trọng đào tạo nhân tài. Nếu Ngô Bảo Châu chỉ là sản phẩm của trường chuyên VN mà không có những năm học tập và nghiên cứu ở Đại học Paris VII, Đại học Paris XI và Trung tâm NCKH QG Pháp (CNRS) thì chắc hẳn đã không thể trở thành một nhà khoa học nổi danh như hiện nay.

Chính là do ảnh hưởng của triết lý giáo dục “con ngoan trò giỏi” mà chúng ta đã khôi phục khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” ở khắp nơi, cứ tưởng rằng xã hội lộn xộn thì chỉ cần gò trẻ em vào lễ là xong. Nề nếp do lễ mang lại ở đâu chưa thấy, trong khi ai cũng biết rằng: Nho giáo và chữ lễ trói buộc con người, không cho sáng tạo thì rất rõ.

Không sáng tạo, làm sao có phát triển?

Triết lý giáo dục “con ngoan trò giỏi” còn khích lệ bệnh thành tích, góp phần phát triển bệnh giả dối.

Ngày xưa, khi còn sống trong môi trường văn hóa làng xã, người Việt có khéo nhưng ít giả dối, vì trong quy mô hẹp, người ta nói khéo để khỏi mất lòng nhau, chứ mọi người quá rành về nhau.

Ngày nay, khi quan hệ xã hội vượt ra khỏi làng xã, mọi người không thể biết hết về nhau, cộng thêm quản lý không nghiêm, sinh ra gian dối lan tràn. Đứa trẻ bước vào lớp 1 còn ngây thơ, trung thực, bước ra khỏi lớp 12 đã học được quá nhiều kinh nghiệm dối trá từ việc viết văn theo mẫu, diễn kịch khi có đoàn kiểm tra; trước mặt cha mẹ và thầy cô chúng có thể đóng vai đứa trẻ ngoan hiền, còn khi chỉ có chúng với nhau thì… có mà trời biết!

4/ Giải pháp thay đổi nền giáo dục

Giải pháp cốt lõi là phải thay đổi triết lý giáo dục từ hướng đến ổn định chuyển sang hướng đến phát triển, từ “con ngoan trò giỏi” sang “con có bản lĩnh, trò dám sáng tạo”.

Trong cuốn sách của mình về hệ giá trị, chúng tôi đưa ra mô hình giáo dục gồm 5 thành tố, trong đó thành tố quan trọng nhất, thành tố trung tâm là bản thân đối tượng giáo dục. Đứa bé phải được tham gia dần, cuối cùng là tự quyết định, phải là người có trách nhiệm cao nhất với việc học của mình. Gia đình, nhà trường, xã hội đóng vai trò định hướng, tư vấn, phục vụ, hỗ trợ. Và cuối cùng, nhà nước tạo mọi khuôn khổ thể chế, pháp lý… phục vụ cho việc đào tạo con người.

Với triết lý giáo dục và mô hình giáo dục như vậy, mọi thứ như cấu trúc hệ thống, chương trình, SGK, phương pháp dạy, phương pháp đánh giá, đội ngũ GV sẽ đều phải đổi khác.

5/ Nếu mỗi người có bản lĩnh thì xã hội sẽ được đa dạng hóa

Vì có bản lĩnh nên mỗi người nghĩ một kiểu. Cùng học một môn nhưng mỗi người sẽ tiếp thu một cách khác nhau. Mỗi người là một thế giới riêng biệt không ai giống ai, chứ không phải là những rô-bốt từ trong nhà máy sản xuất ra. Đa dạng hóa xã hội, đa dạng hóa tư duy thì đó mới là xã hội thực sự của con người. Đa dạng nhưng tất cả cùng nhau hướng đến những mục đích tốt đẹp nhất cho xã hội chứ không phải là đào tạo thì theo một khuôn mẫu chung còn khi đi ra xã hội thì mạnh ai nấy làm, không hợp tác được với nhau.

Tôi biết làm như vậy sẽ rất khó. Các nước phát triển đã có con người với các tiêu chuẩn của văn hóa – văn minh công nghiệp, đô thị và hội nhập rồi nên mục tiêu giáo dục của họ không hoàn toàn giống ta, ta không thể bê nguyên xi mô hình của họ vào áp dụng. Nhưng có khó vậy thì mới có thể có được con người Việt Nam có bản lĩnh, mới thay được nền giáo dục “con ngoan trò giỏi” sang nền giáo dục “con bản lĩnh, trò sáng tạo”.

Tin liên quan

Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc cung cấp các thiết bị giáo dục theo nhiều phương pháp tiên tiến trên thế giới như: Montessori, Steam, Glenn doman, Reggio emilia... Với phương trâm là cung cấp các sản phẩm có giá trị tốt nhất đến với mọi người.
CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ CAO ANH KHÔI
MST: 0109150412
Cấp ngày: 31/03/2020 Nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội
Địa chỉ: Số 1162 đường Quang Trung, Phường Yên Nghĩa, Quận Hà Đông Hà Nội
Điện thoại: 0961 356 975
Email: vnstem168@gmail.com